Nguồn gốc tên gọi Tể_tướng

Đây không phải là tên một chức quan chính thức, mà chỉ là một cách gọi không chính thống để chỉ "một người quan viên đứng đầu triều đình" trong quan chế phong kiến. Từ Tể (宰) nguyên chỉ tội nhân làm việc chấp sự,[1] có ý tứ nói về một người chuyên quản tổng quan mọi việc.

Qua các đời, Tể tướng còn được gọi như Thừa tướng (丞相), Tướng quốc (相國) hay Tổng lý đại thần (總理大臣),... để xưng gọi một quan viên, viên chức nhà nước đứng đầu (thường là tối cao) trong bộ máy quan chế.

Có sự khác nhau giữa Thừa tướng và Tướng quốc khá tinh vi. Chu Thiệu Hầu trong "Tổng tập lược truyện các Tể tướng trong lịch sử Trung Quốc" có chỉ ra điều này:

Tướng quốc có địa vị và quyền thế cao hơn thừa tướng. Căn cứ theo Bách quan công khanh biểu trong Hán thư thì thừa tướng là người có trách nhiệm phò tá thiên tử, giúp giải quyết các việc quan trọng, nghĩa là thừa tướng là trợ thủ của vua; còn đối tượng mà tướng quốc giúp là đất nước. Thiên cường quốc trong sách Tuân Tử có ghi "tướng quốc trên thì được một vua, dưới thì được một nước".[2]

Chức tướng quốc vốn được gọi là tướng bang. Kết quả khảo cổ còn cho thấy những chữ "tướng bang Lã Bất Vi" (nước Tần) khắc trên cái qua hay ấn "tướng bang Hung Nô". Từ khi Lưu Bang lên làm vua, chức này được đổi gọi là tướng quốc vì kiêng tên húy của ông.[2]

Dù có sự phân biệt khá tinh vi giữa hai danh hiệu, nhưng trên thực tế tướng quốc hay thừa tướng đều là quan đầu triều, chỉ ở dưới vua và trên các quan khác. Các triều đại có thể phân quyền chức quan đầu triều cho 2 người bằng cách đặt ra các chức Tả, Hữu thừa tướng chứ không bao giờ vừa đặt tướng quốc vừa đặt thừa tướng. Điển hình là đầu thời Hán. Năm 205 TCN, Lưu Bang để Tào Tham là giả Tả thừa tướng; đến khi thống nhất quốc gia thì nhập làm một, lấy Tiêu Hà làm thừa tướng (không chia Tả, Hữu nữa). Năm 196 TCN Tiêu Hà có công lừa giết Hàn Tín, được thăng làm tướng quốc. Sau khi ông mất, Tào Tham nối làm tướng quốc. Sau khi Tào Tham chết thì Lã Hậu không để ai ở ngôi tướng quốc nữa, ngôi thừa tướng được thiết lập lại và lại chia ra Tả, Hữu thừa tướng.[3]